-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Nhiều nước ồ ạt mua gạo Việt, thương lái tranh mua lúa với giá cao
Viết bởi Fameko, Ngày 24/11/2023
Đầu năm, Trung Quốc xếp thứ 2 về nhập khẩu gạo Việt, nhưng từ quý II, nước này nhanh chóng tụt xuống hạng 6 khi nhiều thị trường khác tăng mua ồ ạt.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy bức tranh xuất khẩu gạo tháng 10 có nhiều thay đổi về thứ hạng nhập khẩu khi Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu gạo Việt lớn thứ 2 nhiều năm qua, rớt xuống hạng thứ 6. Trong khi đó, các nước mới nổi như Indonesia, Ivory Coast, Ghana, Malaysia liên tục thay đổi thứ hạng, vượt Trung Quốc và nằm trong top 5 về thị phần.
Theo đó, tháng 10 - Indonesia nhập hơn 144.600 tấn gạo từ Việt Nam - xếp hạng thứ 2 sau Philippines. Tiếp đến là Ivory Coast - thị trường này trước đây chỉ nhập 1.000-3.000 tấn gạo từ Việt Nam, tháng 10 tăng lên gần 62.000 tấn, tương đương giá trị 37,2 triệu USD.
Tương tự, Ghana và Malaysia, trong tháng 10 cũng tăng sản lượng nhập khẩu 5-6 lần so với tháng 2, lên lần lượt 46.470 tấn và 40.728 tấn - vươn lên top 5 về các quốc gia dẫn đầu nhập khẩu gạo Việt. Nếu so với tháng 9, sản lượng nhập gạo tháng 10 của các quốc gia này tăng 20-30%.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những quốc gia trên tăng mua gạo Việt do nguồn cung thế giới giảm mạnh. Tại thị trường nội địa, nguồn cung gạo của các nước này cũng bị ảnh hưởng do thiên tai, hạn hán. Do đó, để đảm bảo giá và nguồn cung dự trữ, họ đã đẩy mạnh nhập gạo từ Việt Nam.
Indonesia hiện cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm. Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi, tuyên bố Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua này.
Preum Bulog (Cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo), cho biết tất cả giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan nước này ban hành và việc nhập khẩu được thực hiện từ cuối tháng 10 năm nay.
Ivory Coast, Ghana sản xuất lúa 2 năm qua của họ không đủ. Đặc biệt, những quốc gia ở khu vực Tây Phi này luôn trong tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh.
Chính vì được tăng mua số lượng lớn nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới và duy trì ở mức 653 USD một tấn trong gần 1 tháng qua, đắt hơn hàng Thái 75 USD.
Thương lái tranh mua lúa
Bước vào giai đoạn thu hoạch nước rút với lúa thu đông 2023, nhiều thương lái đã tranh mua lúa với giá 9.400 đồng/kg, tăng gần 1.000 đồng/kg so với vụ hè thu. Thậm chí có thương lái đã đặt cọc mua lúa đông xuân sớm với giá 9.300 đồng/kg.
Theo ghi nhận, giá lúa tươi IR50404 tại một số khu vực ở ĐBSCL được thương lái mua với giá 8.800 - 9.000 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 9.000 - 9.400 đồng/kg tùy khu vực, OM5451 8.800 - 9.000 đồng/kg, OM18 giá 9.000 - 9.200 đồng/kg và Nàng Hoa 9 giá 9.100 - 9.300 đồng/kg... So với tuần trước, giá lúa tươi đã tăng hơn 200 - 300 đồng/kg.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết vụ thu đông năm 2023 địa phương này đã xuống giống trên 85.139ha, đạt 119,58% so với kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch trên 78.000ha, đạt 91,67% diện tích, với năng suất 5,54 tấn/ha. Với vụ đông xuân 2023 - 2024, Kiên Giang đã gieo trồng được 15.094ha.
Nguồn: báo Tuổi trẻ, Vietnamnet