-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Các giống măng tây hiện nay - Đặc điểm sinh thái, kĩ thuật và cách chăm sóc hiệu quả
Viết bởi Fameko, Ngày 11/03/2021
I. Đặc điểm sinh thái
Măng tây gồm có 3 loại giống là măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím. Tất cả các giống măng tây này đều chứa giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên được ưa chuộng tiêu thụ và phổ biến trồng nhất vẫn là giống măng tây xanh.
- Măng tây xanh: có màu xanh do trồng trong điều kiện đủ ánh sáng. Cây hấp thu ánh sáng mặt trời tạo thành chất diệp lục tố, Măng xanh có nhiều chất xơ hơn măng trắng.
- Măng tây trắng: có đặc điểm mềm hơn măng xanh và có mùi vị nhẹ hơn.
- Măng tây tím: có màu tím xuất phát từ chất anthocyanin ở mức độ cao (đây là chất chống oxy hóa mạnh). Măng tây tím có hàm lượng chất xơ thấp hơn 2 loại trên, nên mềm hơn và có thể sử dụng toàn bộ đọt từ gốc đến ngọn. Đọt măng dày và có vị ngọt hơn măng tây xanh và măng tây trắng
Hình 1. Các loại Măng Tây hiện nay. Ảnh https://madison.com/
Măng tây gieo trồng tốt nhất vào 2 vụ trong năm đó là vào vụ thu đông từ cuối tháng 8 - tháng 3 và vụ xuân hè từ cuối tháng 2 - tháng 6 dương lịch.
- Hạt Măng có thể nẩy mầm ở 20ºC, nhưng tốt nhất là 25ºC, và đây cũng là nhiệt độ thích hợp nhất để cây sinh trưởng, phát triển mạnh. Căn cứ vào đây để mọi người có thể điều chỉnh nhiệt độ ươm hạt để đạt hiệu quả tốt nhất. Măng Tây trưởng thành có thể chịu rét tốt nên rất phù hợp với miền Bắc. Cây măng tây có khả năng chịu hạn rất tốt, thích hợp để trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới.
- Là loại cây ưa sáng, trồng ở nơi bị che bóng, cây thiếu ánh sáng quang hợp dẫn đến sinh trưởng kém, năng suất Măng Tây không đạt
- Là loại rất mẫn cảm với đất trồng. Đất phải là đất tốt, có độ tơi xốp, có độ phì cao và giàu mùn. Lựa chọn trồng là loại đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất cát pha., đất đỏ bazan, đất phù xa đã được cải tạo cho tơi xốp, giàu chất hữu cơ. Ttránh các loại đất phèn, đất sỏi đá, hay ngập úng. Cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất.
- Thích hợp ở pH từ 6 - 7,5, phải giữ độ ẩm cao, từ 60 - 70 %
- Măng tây phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ 20-30 oC, Tốt nhất là 25 oC. dưới 15 oC chúng ngừng sinh trưởng. Có thể trồng được cả ở vùng đồng bằng và miền núi. Ở độ cao 600-900m so với mực nước biển, măng cho năng suất cao hơn.
II. Chuẩn bị giống
Kỹ thuật trồng măng tây bằng hạt:
B1: Đem số lượng hạt giống ra phơi nắng buổi sáng khoảng 2 tiếng đồng hồ từ 9 đến 11 giờ để hạt giống đạt độ hút nước nhiều nhất để cho tỉ lệ nảy mầm cao nhất.
B2: Cho hạt giống vào 1 cái rây bằng inox mắc nhuyễn # 0,5 mm để chà rửa thật sạch hạt giống (có thể chà rửa hạt giống trực tiếp dưới một vòi nước hoặc thay 3-5 lần nước sạch. Mục đích để hạt sạch và làm mềm lớp vỏ hạt để hạt nảy mầm tốt hơn. Đem hạt giống đã rửa sạch ngâm trong nước hơi ấm. Trong thời gian ngâm hạt giống 1-2 ngày, cứ 1/2 ngày một lần phải tiến hành rửa hạt giống và thay nước mới, đây cũng là lúc để hạt giống có thời gian trao đổi dưỡng khí (thở) để kích thích tỉ lệ nảy mầm cao
B3: Sau 2 ngày ngâm hạt giống, lấy hạt giống ra chà rửa thật sạch rồi ngâm hạt giống với các chất kích nảy mầm như: dung dịch GA3, hoặc WEHG, hoặc AUXIN, hoặc WEVIRO , hoặc NAA, hoặc ATONIK, trong 30 phút … pha tỉ lệ theo hướng dẫn với nước để kích thích tỉ lệ nảy mầm. Vớt hạt rửa sạch, cho hạt giống vào một cái khăn vải vuông dày ẩm 50% (bên trong có lót một lớp khăn lạnh thường dùng ở quán ăn, đã được xử lý khử trùng qua nước sôi để tránh rễ hạt giống bám dính vào khăn lông) hoặc cũng có thể thay thế bằng 5-10 lớp khăn giấy ẩm vuông 30cm, gói kín hạt giống lại, cho vào cái bát hoặc hộp nhựa sạch và khô ráo, đậy kín nắp hộp cho vào nơi tối (có thể úp/chụp hộp hạt giống bằng một miếng vải dày, màu tối hoặc một cái chậu nhựa để ngăn ánh sáng).
B4: Thời gian ủ hạt giống thường kéo dài từ 3-4 ngày (có thể là 10 ngày) để hạt giống nảy mầm dần dần, nhớ mỗi ngày phải chọn lấy những hạt đã nảy mầm đem ra gieo (có thể gieo trực tiếp ra đất vườn ươm hoặc gieo qua trung gian vào khay/vĩ khoảng 60-90 ngày để lấy cây giống con cấy ra đất vườn ươm), những hạt còn lại tiếp tục chà rửa thật sạch, đồng thời giặt sạch 2 cái khăn ủ ẩm bằng nước sôi, để nguội rồi vắt ráo 50% nước để gói, ủ hạt giống cho ngày kế tiếp
* Kinh nghiệm ươm hạt đơn giản:
Hạt mua về ngâm nước ấm 1 sôi 2 lạnh trong 15h. Trong thời gian ngâm, nếu thấy nước nguội, cần thay nước (thường phải thay nước 3-4 lần). Sau khi ngâm, vớt hạt bọc vào giẻ ấm (hoặc khăn ướt) để nơi kín gió, trong điều kiện ấm. Có thể sử dụng đèn sợi đốt 40W để giữ ấm. Hoặc cho bọc hạt vào thùng xốp. Nếu nhiệt độ thấp dẫn tỷ lệ nảy mẩm thấp và thời gian nảy mầm kéo dài, không đồng đều.
III. Ươm hạt
Hình 2. Hạt giống Măng Tây. Ảnh https://practicalselfreliance.com/
Thời gian ươm hạt giống Măng Tây kéo dài từ 2 - 3 tháng. Có thể ươm trong bầu đất hoặc làm luống ươm.
1. Ươm trong bầu
Sử dụng túi bầu là nilong tối màu có lỗ ở đáy để thoát nước tốt
- Làm đất ươm: Sử dụng loại đất sạch, tơi xốp và nhiều dinh dưỡng.
Sử lý đất đóng bầu trước 10 ngày ươm. Bón vôi cho đất để diệt sâu bệnh trong đất. bổ sung các loại phân xanh, tro trấu, mùn mục hoặc phân trùn quế, phân chuồng ủ hoại và phân ure cho đất, cày xới kỹ rồi phơi nắng để diệt mầm bệnh trong đất.
- Tiến hành ươm hạt giống:
Cho lượng đất đã xử lý vào các bầu ươm. Tưới phun một ít nước tạo độ ẩm cho đất.
Dùng ngón tay ấn xuống bầu đất tạo lỗ sâu khoảng 1 -2cm.
Cẩn thận đặt từng hạt măng tây đã nứt nanh xuống lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp đất tơi xốp lên trên hạt. Tưới phun nhẹ nước lên toàn bộ bầu ươm.
Lưu ý: khi ươm xong thì cần phải đặt bầu ươm ở nơi có đủ ánh nắng để kích thích hạt nảy mầm.
Chăm bón măng tây trong thời gian ươm:
Vì thời gian ươm hạt măng tây kéo dài từ 2 - 3 tháng nên việc chăm sóc các bầu ươm ở giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp đến tỉ lệ cây trồng, cho nên mọi người cần chú ý đến quy trình chăm bón cho bầu ươm như sau:
Tiến hành tưới nước cho các bầu ươm mỗi ngày 2 lần, lưu ý là chỉ nên tưới phun sương
Sau khi ươm được 10 ngày thì cây con sẽ bắt đầu mọc lên mặt đất. Giai đoạn cây mọc cao được 10cm thì cần bón thúc với dung dịch phân NPK 15-15-15 pha loãng với nước phun tưới cho bầu cây để kích thích sự phát triển của cây. Sau đó cách 10 - 15 ngày thì tiếp túc bón thúc lần 2.
Ở thời điểm sau gieo khoảng 3 tháng thì cây sẽ mọc cao khoảng 25 - 30cm, thân có 1 - 2 nhánh, lúc này chúng ta sẽ chọn những bầu cây khỏe mạnh, mập mạp và không sâu bệnh đem trồng trực tiếp vào đất.
2. Ươm cây giống trực tiếp trên luống đất
- Lên luống cao 30cm, thật tơi xốp, nắm đất giá thể bóp chặt trong tay thả ra phải nát vụn như cám
- Thành phần lớp đất giá thể vườn ươm cũng như luống đất trồng cây sau này gồm có: đất (50%) + 1/3 phân xanh: như vỏ đậu, trấu mục, bèo tây, lục bình, rơm rạ, mùn cưa, vụn cùi bắp, vụn xơ dừa (đã ngâm/xả nước 3-5 lần để xử lý chất chát Tanin và đã xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm vi sinh) + 1/3 phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoai (phân cút, phân dơi, phân cá, phân bò, phân heo, phân gà (chỉ dùng 20% vì phân gà rất “nóng” và chứa nhiều kali sẽ làm xơ cứng cọng măng) đã xử lý qua các chế phẩm Trichoderma, Baccillus Subtilis, Aspergillus Niger, Weviro/Wehg, Active Cleaner,…
Hình 3. Lên luống trồng Măng Tây Ảnh:https://www.lilyhealth.co.uk/
- Vườn ươm cần đào rãnh thoát nước tốt, có mái che bớt nắng.
- Tiến hành chăm sóc cây tương tự cây ươm trong bầu. Tuy nhiên cây ươm trực tiếp trên nền đất cho cây giống sinh trưởng mạnh hơn, sau 6 tháng cây mẹ có thể đạt đường kính 8 -9 mm, trong khi cây ươm trong bầu chỉ đạt 5-6 mm.
Việc ươm cây giống trong bầu nilon chỉ thích hợp cho người mua bán cây giống cần vận chuyển cây đi nơi này nơi kia, không có nhiều lợi ích cho người trồng trực tiếp.
IV. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MĂNG TÂY (Giai đoạn sau vườn ươm)
1. Chuẩn bị trước khi trồng
- Đất trồng phải được cày bừa thật kỹ (cày bừa nhiều lần trước 2 tháng trồng). Xử lý cỏ dại và thuốc trừ sâu bệnh trong đất.
Bón lót các loại: phân chuồng, vôi bột, (phân trùn quế) và phân hữu cơ tổng hợp trộn đều để tăng dinh dưỡng cho đất. Tùy loại đất mà bón lót khác nhau.
+ Lần 1: Cày đất sâu 40 - 50cm, don sạch cỏ, rác, và xử lý sâu bệnh trong đất, để đất hả một thời gian (khoảng 15 ngày)
+ Lần 2: Dọn lại cỏ dại, rải vôi khắp ruộng sau đó cày xới trộn đều đất, để trong 3- 5 ngày nắng.
+ Lần 3: Rải thêm phân chuồng (phân trùn quế) rồi cày bừa lại và san phẳng mặt luống để chuẩn bị lên luống.
2. Lên luống
- Lên luống rộng 1 m và cao 20 - 30 cm để tạo cho lớp đất mặt luôn thông thoáng, thoát nước, rãnh rộng 20 -30 cm (như vậy hàng cách hàng khoảng 130 - 150 cm là đẹp đảm bảo cho cây phát triển sau này)
- Trên luống cuốc hố sâu khoảng 20 cm và cách nhau 50 cm. Trộn đều phân chuồng và phân hữu cơ tổng hợp, một ít vôi bỏ vào hố, lấp một lớp đất lên rồi trồng cây.
3. Trồng cây
- Khi cây ươm được 3 tháng tuổi, cây có 3 -4 nhánh thì đem ra trồng.
- Nhẹ nhàng vận chuyển bầu cây, rạch bỏ lớp vỏ bầu ngoài và đặt ngay ngắn cây vào hố, mặt bầu cây ngang với mặt luống. Có thể đặt cổ bổ rễ Măng tây dưới mặt luống. Điều này giúp Măng mập, ít xơ và tuổi thọ cao hơn. Còn ngược lại, nếu trồng nông, cây sẽ mau cho măng, nhưng măng nhiều xơ ở phần gốc.
- Trải đều rễ về 2 phía của mô đất. Rồi tiền hành lấp đất đầy vào rãnh trồng măng và cao hơn 5cm so với mặt liếp để đảm bảo không bị đọng nước mưa. Tránh làm đứt rễ
4. Tưới nước.
- Sau khi trồng tiến hành tưới đẫm và giữ ẩm cho đất, luôn giữ đất ẩm.
- Độ ẩm được kiểm tra bằng cách đào xuống sâu khoảng 20 ~30 cm ngang tầm với bộ rễ, rồi dùng tay nắm chặt lại và khi bỏ tay ra thấy nước rịn theo các khe tay là đạt yêu cầu
5. Chăm sóc sau trồng
Hình 4. Chăm bón Măng Tây Ảnh:https://practicalselfreliance.com/
- Sau khi trồng 1 tuần các mầm măng sẽ mọc lên khỏi mặt đất lúc này ta vẫn luôn chú ý giữ ẩm cho cây. Đến tuần thứ 2 cây bắt đầu bung tán. Ta tiến hành xới đất phá váng trên mặt đất để tốt cho quá trình trao đổi không khí.
- Chăm sóc theo chu kỳ hàng tháng: Xáo xới, diệt cỏ dại nhưng tránh làm tổn hại đến bộ rễ, có thể bón thêm phân chuồng kết hợp chế phẩm trichoderma.
- Cây phát triển thêm nhiều thân mới. Chỉ chọn giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây, xới xáo vun đất đậy gốc, bón thúc.
- Thân cây mềm yếu, cần làm giàn chống đỡ
- Chu kỳ thu hoạch Măng có thể kéo dài 3 tháng, nên cho cây nghỉ 1 tháng. Kết thúc mỗi chu kỳ khai thác, kết hợp tỉa cây mẹ, chừa 5 – 6 cây mẹ khỏe/bụi, tiến hành bón phân thúc bằng các loại phân hữu cơ tổng hợp (phân tổng hợp NPK + phân vi sinh + phân chuồng, phân trùn quế). Sau 1 tháng là có thể bắt đầu thu hoạch lứa măng mới ở chu kỳ tiếp theo.
Phân bón là rất cần thiết cho mỗi chu kỳ của cây Măng Tây. Có thể rạch rãnh hai bên mép của luống, hoặc đào lỗ quanh gốc để bón phân. Cũng có thể bổ phân dinh dưỡng pha loãng tưới vào đất hoặc dùng phân phun lên lá.
V . Sâu bệnh
Măng tây nếu chọn được giống tốt, trồng trên vùng đất tơi xốp giàu dinh dưỡng hữu cơ và vi sinh, đã xử lý khử tuyến trùng, nấm bệnh, côn trùng, thế đất cao ráo, tiêu thoát nước tốt, đất và nước tưới bảo đảm độ pH = 6.5-7.5 và không có độc tố kim loại, chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh vườn trồng tốt, môi trường thông thoáng, lành mạnh, thì rất ít bị nấm bệnh gây hại, cây sẽ cho năng suất Măng rất cao. Tuy nhiên, nó cũng là loại cây trồng rất mẫn cảm với điều kiện môi trường đặc biệt là đất và nước, dễ gây ra dịch bệnh tràn lan và khó kiểm soát, làm cho cây và chồi măng non phát triển kém, kiệt sức dần và chết hàng loạt.
Hình 5. Bệnh gỉ sắt Măng Tây. Ảnh:https://plantvillage.psu.edu/
[01] Thối gốc rễ (do nấm Fusarium: F. Moniliforme, F. Oxysporum f. sp. Asparagi, F. Proliferatum, F. Culmorum, F. Verticillioides, F. Redolens, Gibberella Fujikuroi,…);
[02] Thối gốc rễ (do nấm Phytophthora: Phyt. Megasoerma Drechs; Phyt. Palmivora, Phyt. Capsici, Phyt. Infestans,…);
[03] Thối gốc rễ (do nấm Pythium: P. Arrhenomanes, P. Myriotilum, P. Aphanidermatum, P. Megasperma, P. Debaryanum, P. Ultimum; do nấm Rhizoctonia Solani, Rhizoctonia sp., Zopfila Rhizophila…);
[04] Thối nhũn vi khuẩn (do nấm Erwinia Carotovora, Sclerotinia Sclerotiorum);
[05] Tuyến trùng nốt sưng (do nấm Meloidogyne Incognita, Meloidogyne Javanica);
[06] Tuyến trùng ngoại ký sinh (do nấm Tylenchorhynchus sp., Xiphinema sp., Pratylenchus sp.);
[07] Rỉ Sắt (do nấm Puccinia Asparagi với 4 loại bào tử Basidiospores, Aeciospores, Urediniospores và Teliospores);
[08] Bạc lá, đốm lá (do nấm Alternaria Alternata, Cercospora Asparagi, Ascochyta Asparagina, Phomopsis Asparagicola, Phomopsis Asparagi, Phomopsis Javanica);
[09] Đốm tím (do nấm Pleospora Herbarum, Stemphylium Vesicarium);
[10] Mốc xám (do nấm Botrytis Cinerea);
[11] Mốc xanh (do nấm Penicillium Aurantiogriseum);
[12] Thán thư (Colletotrichum Gloeosporioides, Colleto. Dematium);
[13] Khô thân cành (do nấm Macrophoma sp.);
[14] Virus (các loại virus Asparagus Virus - AV1, AV2, AV3. AV4; Tobaco Streak Virus - TSV);
[15] Nứt gốc, thân (Sinh lý)…
* Nguyên nhân gây ra nấm bệnh hại cây Măng tây:
- Cây Măng tây chịu hạn rất tốt trong mùa nắng, nhưng rất dễ bị “sốc” nước trong mùa mưa;
- Mật độ trồng dày, mưa nhiều, bộ lá sum suê của cây Măng tây bị nước mưa (kể cả nước tưới) kết dính dễ làm hư thối tạo điều kiện nấm bệnh xâm hại;
- Mưa nhiều, nhất là những lúc mưa to kéo dài nhiều ngày, làm cho ẩm độ không khí và ẩm độ trong chân đất trồng tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát triển; người trồng không kịp thời có biện pháp xới xáo đất, khai thông rãnh thoát, chống úng để chân đất ngập nước và ngậm nước trương nở nén chặt, dư ẩm, đất trồng bị bão hoà làm mất tế khổng (khoảng trống chứa nước và không khí trong đất) và đóng váng bề mặt làm mất dưỡng khí khiến bộ rễ cây Măng tây bị ngộp, mất khả năng trao đổi ion, không hấp thu được dinh dưỡng, úng nước kéo dài khiến bộ rễ bị thối nhũn, cây phát triển kém, dẫn đến mất khả năng cung cấp Măng, vàng lá, héo úa từ từ rồi chết dần, chết dần,…
- Cây quang hợp kém do trời mưa dầm dề, thiếu nắng kéo dài;
- Đất trồng thiếu dinh dưỡng hữu cơ, và thiếu vôi, làm độ pH đất và nước biến đổi giảm sâu dưới biên độ pH = 4.5 - 5.5
- Sử dụng phân không đúng cách....