LỢI THẾ VÀ THÁCH THỨC CỦA NÔNG SẢN VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Viết bởi Fameko, Ngày 30/07/2021

 Lợi thế của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu

Hội nhập kinh tế mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản. Với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam đang có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh với hàng hóa nông sản quốc tế.

1. Lợi thế trong sản xuất

Là quốc gia nằm trong vùng nội chí tuyến, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, sản xuất nông nghiệp. Với mức tăng trưởng bình quân đạt 3.5%/năm, mức cao ở khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau khoảng thời gian thiếu lương thực kéo dài năm 1989, Việt Nam đã dần vươn mình thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Giai đoạn năm 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt bình quân 2.66%/năm, năm 2018 đạt 3.76%, đến năm 2019 đạt 2.2% và năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid nhưng tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt 2.65%.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế để phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra mục tiêu năm 2021 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên 2.8-3% với tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 91%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 19.500 Hợp tác xã Nông nghiệp trong đó trên 16.500 Hợp tác xã Nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hiện tại, năng suất lúa của Việt Nam đang cao nhất Đông - Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái-lan và 1,5 lần so với Ấn Độ; trở thành quốc gia có chỉ số bền vững an ninh lương thực cao hơn phần  lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19...), nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, dự kiến diện tích, sản lượng các loại nông sản hàng hóa vẫn ổn định và tăng so với năm 2019, bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Năm 2020, với sự đả kích cực lớn từ dịch COVID và lũ lụt miền Trung làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp. “Vượt bão” năm 2020, ngành Nông nghiệp đã thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng chống dịch bệnh.

2. Lợi thế trong xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2020, với những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID, xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản Việt Nam ước giảm 2,5%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD. Năm 2020 cũng ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng như ký kết nhiều hiệp Thương mại tự do (FTA) như  Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cùng với nâng cao năng lực cung cấp và mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đang dần trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường Nông lâm thủy sản toàn cầu, khẳng định vị trí trên thị trường Thương mại quốc tế.

Năm 2020, nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như dịch COVID, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi. Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của   toàn ngành và người dân, Việt Nam không những đảm bảo nhu cầutiêu dùng trong nước mà còn vượt các nước như Thái Lan, Ấn Độ về xuất khẩu gạo (đạt 3 tỷ USD năm 2020). Các mặt hàng như thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, đồ gỗ… cũng đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc xuất khẩu sang gần 200 thị trường, trong đó có những thị trường giá trị cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… đã đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

3. Nhanh nhạy, uyển chuyển trong xuất khẩu

Với quy mô đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều của các doanh nghiệp hiện nay, tập trung vào vận hành các khẩu từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông sản, ngoài ra doanh nghiệp còn đẩy mạnh, nhanh nhạy, uyển chuyển trong xúc tiến thương mại, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như vải thiều tươi sang Nhật Bản, bưởi vào Chi Lê, chanh leo sang Châu Âu…, ngay khi nhận thấy sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Riêng với một số ngành như sản xuất đồ gỗ, đẩy mạnh phát triển trên các kênh trực tuyến như Alibaba.com được xem là một bước ngoặt đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận đến khách hàng quốc tế hơn. Kết quả thu được là nhóm sản phẩm đồ gỗ đã bứt tốc trong những tháng cuối năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu trên 12.6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

4. Trợ lực từ các Hiệp định Thương mại quốc tế (FTA)

Ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU đã tăng 15 - 17% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Âu ghi nhận tăng trưởng nhanh  hơn, với tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến hết tháng 9 đạt hơn 766 triệu USD. “So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0%. Như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%”, Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định.

Hiệp định CPTPP cũng góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn, theo Bộ Công thương, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%... Tuy mức tăng trưởng chưa quá cao, song nếu đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang bị ảnh hưởng lớn, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thì kết quả này là tương đối lạc quan. Trước đó, năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ một năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là hai thị trường trước đây chưa tham dự Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%. Nếu như các năm trước, với tổng thể thị trường CPTPP, Việt Nam nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD/năm thì sang năm 2019, năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, cả nước đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang khối thị trường này. Kết quả xuất siêu tiếp tục được duy trì đến nửa đầu năm 2020 với nhiều thị trường trong khối như Canada, Mexico, Peru…

5. Xúc tiến Thương mại trực tuyến

Theo Báo cáo của Bộ Công thương, các hoạt động Xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí Xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục (55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, gồm cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật và thị trường tiềm năng như Châu Phi, Úc...), huy động cả hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động Xúc tiến thương mại trên thực tế ở nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau... tổ chức thành công các hội nghị Xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau-củ-quả... Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức Xúc tiến thương mại - Điện tử mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất - nhập khẩu của cả nước trong năm 2020.

Bộ Công thương cũng nhấn mạnh chú trọng các mặt hàng nông sản trong thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

6. Kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong nước

Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp nhận định, Covid-19 sẽ không phải là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam mà ngược lại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng biến đây trở thành lợi thế lớn của nông sản Việt so với đối thủ trên thế giới. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam vẫn luôn được khống chế tốt với các biện pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả của Nhà nước. Người dân an tâm tham gia sản xuất, doanh nghiệp cũng tự tin đầu tư vào nông nghiệp giúp nguồn cung cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu luôn được duy trì và kịp thời. Đây là lợi thế của Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu nông sản như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… vẫn còn đang chật vật với các biện pháp cách ly, kiểm soát dịch bệnh nên chưa thể phục hồi được sản xuất để kịp thời cung ứng ra thế giới.

Mặc dù chưa thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh nhưng các thị trường chính của nông sản Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản… đã dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu nhập khẩu nông sản của các thị trường này, điển hình là Trung Quốc sẽ tăng cao trở lại để bù đắp cho sự thiếu hụt thực phẩm của khoảng thời gian dịch Covid-19 phức tạp.

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: