Nguồn lực xã hội hóa trồng rừng rất lớn nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý để thực hiện

Viết bởi Fameko, Ngày 30/06/2023

Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: suy giảm diện tích rừng tự nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường, thiên tai ngày càng cực đoan… Để giải quyết các thách thức này, cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ngày 20/6/2023, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SWV), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) tổ chức Hội thảo: “Xã hội hóa nguồn lực cho bảo vệ rừng, phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu”.

VIỆT NAM ĐANG ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CẤP BÁCH

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết trong 30 năm qua, Việt Nam đã mất đi khá lớn diện tích rừng tự nhiên, do chặt phá trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: sự xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái thời tiết cực đoan, tài nguyên đa dạng sinh học suy giảm mạnh, thực trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động cao.

“Để giải quyết các những thách thức thiên niên kỷ này, mỗi quốc gia và toàn cầu cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Thao nêu vấn đề.

Ông Phạm Quang Thao phát biểu tại hội thảo.

Ông Phạm Quang Thao phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Quang Thao cho hay tính đến 12/2022, VUSTA có 93 hội ngành toàn quốc, hơn 600 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, hơn 20 tạp chí thuộc các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc VUSTA. Ngày 9/1/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực Tài nguyên môi trường giai đoạn 2020 - 2025. 

“Đây là những văn bản quan trọng để VUSTA tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Thao nhấn mạnh.

TS Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của VUSTA, cho biết dưới sự chủ trì điều phối của VUSTA, hàng loạt các đề án, chương trình, nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp vùng đã được VUSTA và các hội thành viên, các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện.

Nhiều mạng lưới liên kết các tổ chức cùng hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được VUSTA bảo trợ cho việc thành lập và hoạt động.

Một số mạng lưới hoạt động tốt như: Mạng lưới các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu (VNGO&CC), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), Mạng lưới Đất rừng (FORLAND)…

Tuy nhiên, TS Lê Công Lương nêu lên những tồn tại, khó khăn trong hoạt động tham gia xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó là, môi trường pháp lý chưa rõ ràng, chưa thuận lợi cho hoạt động hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thủ tục phê duyệt, xác nhận viện trợ, quyết toán khó khăn phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học trong việc thực hiện các đề tài dự án kể cả nguồn từ ngân sách nhà nước và nguồn viện trợ. Các tổ chức ngoài công lập ít có điều kiện được tham gia đấu thầu các đề tài dự án về hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách nhà nước.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI CHO TRỒNG RỪNG

Đại diện Cục Lâm nghiệp Việt Nam cho hay nhiều năm qua, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng.  Những năm gần đây, diện tích rừng trồng do các hộ gia đình thực hiện tăng nhiều nhất so với các chủ rừng khác kể cả chủ rừng nhà nước.

Một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: Trường Marie Curie. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân trong nước để trồng, chăm sóc rừng tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Kết quả năm 2022, GAIA đã tổ chức trồng được trên 125ha rừng, tương đương 228 ngàn cây xanh. Ngân hàng Agribank tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh - Thêm cây thêm sự sống” ở một số địa phương. Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; “Chung tay xanh hóa học đường” của Công ty Toyota Việt Nam; “Hành động vì một Việt Nam xanh” của Công ty TNHH Unilever Việt Nam; “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam,… và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động tích cực, ý nghĩa nhằm bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên khắp mọi miền của tổ quốc.

TS. Ngô Văn Hồng - Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN) nêu lên bài học từ dự án phục hồi rừng Sông Gianh và sông Thạch Hãn. Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh” của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp 1 cây để có rừng”.

VARS kêu gọi đóng góp mỗi cây rừng trị giá 50.000 đồng. Đến ngày 15/6/2023 đã có 1924 lượt đóng góp với số tiền trên 14 tỷ đồng. Thông qua khoản ngân sách huy động,VARS hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón và một phần chi phí tiền công chăm sóc năm đầu và hai năm tiếp theo trên diện tích hỗ trợ.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận định, nguồn lực xã hội được hình thành rất đa dạng trong xã hội hiện nay có thể đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước. Thông qua các sáng kiến quốc tế, các nguồn quỹ sáng kiến carbon, quỹ sáng kiến xanh, hoặc các nguồn vốn viện trợ phát triển hoặc nguồn lực ODA các phong trào phục hồi rừng trong nước có thể tìm kiếm nguồn lực từ các quỹ tài trợ này.

Ông Nguyên cho rằng nguồn lực xã hội hoá cho hoạt động trồng rừng hiện nay rất lớn, song chưa đủ hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng.

Hội thảo diễn ra tại trụ sở của VUSTA.

Hội thảo diễn ra tại trụ sở của VUSTA.

Nhằm tạo thuận lợi cho thu hút nguồn lực xã hội hóa cho trồng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và thông tin môi trường (thuộc VUSTA) kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động Xã hội hóa nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch.

Theo ông Phấn, Chính phủ cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa. Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời các quy định về sử dụng nguồn lực xã hội hóa; thống nhất cách hiểu, cách làm, cách huy động, tránh mỗi người hiểu một kiểu dẫn đến làm sai, lợi dụng Xã hội hóa để tham ô, lãng phí, tham nhũng vi phạm pháp luật. Cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nguồn lực xã hội hóa lớn trong các lĩnh vực này, như miễn giảm một số loại thuế, phí…  

Nguồn: vneconomy.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: