-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thế giới có nguy cơ đối mặt với đợt khủng hoảng phân bón mới
Viết bởi Fameko, Ngày 05/01/2023
Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này
Thông tin này được bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) - quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc tham gia các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy xuất khẩu phân bón của Nga, đưa ra ngày 3/10. Theo bà, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khiến giá phân bón tăng vọt.
“Nếu chúng ta không thể hạ nhiệt giá phân bón ngay từ lúc này, thì một cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi”, bà Rebeca Grynspan nhấn mạnh. Phát biểu với báo giới tại trụ sở UNCTAD ở Geneva (Thụy Sĩ), bà cho biết Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh cảnh báo về cuộc khủng hoảng gia tăng đối với phân bón, khi các quốc gia dễ bị tổn thương ở các khu vực như châu Phi phải vật lộn với giá đã tăng 300% kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Thực trạng báo động tại các nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới
Nga không chỉ là nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu mà còn là một trong những nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Nga cung cấp kali, phân lân và phân đạm lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 7%.
Phía Nga nhận định, xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này vấp phải những cản trở từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, bất chấp việc Moskva và Kiev đã ký thỏa thuận ngày 22/7, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Thỏa thuận đảm bảo tàu xuất khẩu nông sản được xuất phát từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Nga cũng sẽ được đảm bảo vận chuyển lương thực và phân bón mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, phía Nga thông báo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng nước này tiếp tục bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây không nhằm trực tiếp vào nông sản.
Theo Trung tâm điều phối chung đặt trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), 129 tàu chở 2,8 triệu tấn ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Các đợt xuất khẩu này đã giúp hạ nhiệt giá ngũ cốc và làm dịu lo ngại về một khủng hoảng lương thực toàn cầu bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nguồn cung ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.
Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết, các nông hộ sản xuất nhỏ cung cấp thức ăn cho phần lớn người dân, đang thiếu 2 triệu tấn phân bón. Giá phân bón cao sẽ đồng nghĩa với việc ít thực phẩm hơn vào thời điểm mà mọi người cần nhất, với thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và cuộc chiến Ukraine vẫn khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu bất an.
Nông dân ở châu Âu đang cảm thấy những căng thẳng tương tự, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Theo Ủy ban châu Âu, giá phân bón đã cao ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, điều này khiến giá phân bón tăng thêm 50%.
(Thông tin: 07/10/2022)
Nguồn: báo nongnghiep.vn