TỔNG QUAN VỀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM

Viết bởi Fameko, Ngày 23/07/2021

TỔNG QUAN VỀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM

1. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020

Năm 2020, một năm đầy khó khăn cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không thể tránh được những ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối  với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. Sẽ là không dễ dàng để Việt Nam có thể đạt được những hợp đồng mới nhằm nối lại và duy trì xuất  khẩu. Thế nhưng, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt một con số ấn tượng: 544 tỷ USD, trong khi nhiều nước trên thế giới  vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm, hoạt động giao thương bị hạn chế đáng kể. Cùng với những thành tựu trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu được xem là kỳ tích của Việt Nam và đã được nhiều quốc gia khác công nhận.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2020 vừa qua, lập kỷ lục mới với giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Đó là thành quả đáng kinh ngạc của những người nông dân và các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực nắm bắt từng cơ hội dù là nhỏ nhất để mang nông sản nước ta ra thế giới trong tình hình hết sức khó khăn do Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu gạo Việt Nam đã lập kỷ lục về giá, trung bình khoảng 500 USD/tấn. Tuy khối lượng xuất khẩu giảm 3,5% nhưng lại tăng 9,3% về giá trị kim ngạch với hơn 3 tỷ USD trong năm 2020. Về chủng loại xuất khẩu, gạo chất lượng cao đạt 85% tỷ trọng xuất khẩu. Cụ thể giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2% (tính đến tháng 11/2020).

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã bị sụt giảm nghiêm trọng như rau quả, hạt điều, cà phê…Đáng kể đến, giá trị xuất khẩu rau quả trong năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD, giảm đến 13% so với năm 2019 trên hầu hết các chủng loại. Thanh long tiếp tục là mặt hàng giữ vị trí dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả với 35,8% nhưng giảm 10,3% so với cùng kỳ; kế đến là chuối chiếm 5,4%, giảm 13,1%; sầu riêng chiếm 4% nhưng giảm mạnh đến 52,9%... Các mặt hàng khác cũng có sự sụt giảm trong cả khối lượng lẫn giá trị kim ngạch: xuất khẩu hạt điều đạt 3,19 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu cà phê đạt 2,66 tỷ USD, giảm 7,2%; hạt tiêu và chè chỉ đạt giá trị xuất khẩu khiêm tốn là 0,67 và 0,22 tỷ USD, giảm đến hơn 6,6% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh những sự gam màu buồn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản, vẫn có một số mặt hàng của nước ta đã tiến vào thị trường mới trong năm nay. Bưởi đào đường của Bắc Giang đã thành công xuất  khẩu lần đầu tiên vào thị trường Nga; vải thiều tươi được chính thức xuất  khẩu sang Nhật Bản; chuối Việt Nam được chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc chính thức bày bán. Điều này cho thấy nông sản Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng, thương hiệu càng được khẳng định và nâng tầm.

2. Nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường quốc tế

Từ lâu, nông sản đã là mặt hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 180 thị trường trên thế giới đã gây được nhiều tiếng vang, đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản, hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của nước ta và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, khiến nông sản Việt chinh phục được các thị trường khó tính như EU, trữ lượng lớn có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, chè, điều…

Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và có truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Là quốc gia có dân số đông nhất thế giới với hơn 1,44 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản của thị trường này để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như để sản xuất chế biến là rất lớn. Tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản Việt của Trung Quốc là rất cao khi xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng và tốc độ đô thị hóa của quốc gia này ngày càng nhanh hơn.Trong năm vừa qua, tình hình xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước vẫn đang tiến  triển tích cực. Do ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nên tổng kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt sang Trung Quốc bị sụt giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là rau quả cũng đã phải đối mặt với tình trạng này, giảm đến hơn 25% so với năm 2019. Ấn Độ cũng đang là thị trường rất tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch các Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết các loại nông sản tươi của Việt Nam như thanh long, chôm chôm hay các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan đang rất được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng.

Các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn 5 sao và đặc biệt, thanh long là món ăn tráng miệng yêu thích tại các tiệc cưới sang trọng ở Ấn Độ. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ như: các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, gia vị, thảo quả… Với dân số xấp xỉ 1,4 tỷ người, Ấn Độ cũng là quốc gia có dung lượng thị trường tiêu thụ rất cao tương tự như Trung Quốc, là cơ hội lớn cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: