-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
SỬ DỤNG PHÂN BÓN LÁ ĐÚNG CÁCH CHO CÂY TRỒNG
Viết bởi Fameko, Ngày 24/08/2022
Đối với những người làm vườn, việc cung cấp đúng và đủ dinh dưỡng cho các nhu cầu của cây là rất quan trọng. Ngoài hình thức cung cấp dinh dưỡng qua rễ (phân bón rễ), còn có hình thức khác được áp dụng rộng rãi hiện nay đó là cung cấp dinh dưỡng qua lá (phân bón lá). Cung cấp dinh dưỡng qua lá là biện pháp phun một hay nhiều loại phân bón cho cây trồng lên phía trên bề mặt của cây (lá, cuống, hoa, trái) với mục đích nâng cao sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng.
Để sử dụng phân bón lá một cách hợp lý và hiệu quả, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây thì chúng ta cần phải hiểu rõ được cách thức này.
1. Những trường hợp cần phun phân bón lá
1.1 Đất có dưỡng chất hữu dụng thấp
Ở đất đá vôi có lượng sắt hữu dụng thấp và thiếu sắt phổ biến ở cây trồng trên đất này. Trên loại đất này thì phun dinh dưỡng qua lá sẽ có hiệu quả hơn là bón vào đất. Đây cũng là phương pháp làm giảm tính độc của Mn.
Trong đất có pH cao, nhiều hữu cơ, thiếu Mn có thể khắc phục bằng cách phun phân bón lá có chứa Mn. Trong đất có acid thì Mo bị cố định, việc phun phân bón lá có chứa Mo sẽ hữu hiệu hơn là bón Mo vào đất.
1.2 Lớp đất mặt bị khô
Ở vùng đất khô hạn, lớp đất mặt bị thiếu nước sẽ làm giảm hữu dụng các dưỡng chất trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Trong điều kiện này, việc bón dinh dưỡng vào đất ít hiệu quả hơn so với việc phun qua lá.
1.3 Rễ giảm hoạt động trong thời kỳ sinh sản
Rễ giảm hấp thu dinh dưỡng vào thời điểm bắt đầu giai đoạn sinh sản. Phun dinh dưỡng qua lá có thể bù đắp cho sự thiếu dinh dưỡng này. Ở những thời điểm quan trọng thì việc kết hợp bón rễ và cung cấp dinh dưỡng qua lá giúp cây trồng đạt năng suất cao hơn, đặc biệt là tránh trường hợp cách vụ hay suy kiệt cây mẹ vẫn đảm bảo được sức khỏe cho những vụ sản xuất sau ở những cây lâu năm.
1.4 Cây ngập úng, rễ tổn thương
Khi rễ cây gặp tình trạng bị ứ nước, yếm khí khiến rễ không thể hô hấp, dần dần bị thối không hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây thì việc cung cấp phân bón qua lá ở thời điểm này là rất cần thiết.
Rễ cây bị tổn thương do côn trùng, nấm bệnh tấn công hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ), ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất của cây thì có thể cung cấp dinh dưỡng qua lá.
1.5 Đất nhiễm mặn
Đất bị nhiễm mặn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sinh lý của cây. Cây không thể hút khoáng, nước khiến cây không thể sinh trưởng. Do đó cần phun phân bón lá vào thời điểm này cho cây.
1.6 Gia tăng hàm lượng Ca (Canxi) cho trái
Sự rối loạn Ca (Canxi) phổ biến ở nhiều loại cây trồng. Nhưng do tính di động của Canxi bị giới hạn nên cần phun nhiều lần và phun thẳng lên trái.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu dinh dưỡng qua lá
2.1 Giống cây trồng
Cách thức và mức độ hấp thu dinh dưỡng khoáng ở mỗi loại cây, giống cây là khác nhau. Do đó, tùy vào đối tượng cây trồng mà chúng ta lựa chọn hình thức cung cấp dinh dưỡng khoáng phù hợp.
2.2 Độ non hay già của lá
Mức độ hấp thu dinh dưỡng khoáng qua lá thường bị giảm theo tuổi của lá. Lá càng già thì khả năng hấp thu dinh dưỡng càng kém. Do đó chúng ta cần chọn thời điểm phun phân bón lá. Phun khi cây có diện tích lá non lớn và hiệu suất hoạt động cao thì tốc độ hấp thu dinh dưỡng qua lá tốt nhất. Tổng lượng hấp thu dinh dưỡng khoáng của cây trong giai đoạn này lớn và mang lại hiệu quả tốt nhất cho cây.
Ví dụ: Trên cây ăn trái, phun phân bón lá vào thời điểm khi lá trên đọt non đang chuyển sang giai đoạn lá lục. Trên cây lúa phun vào thời điểm cây xuất hiện lá cờ.
2.3 Cấu trúc bề mặt của lá
Bề mặt lá ở mỗi cây trồng đều khác nhau. Chúng có thể có lông hay không có lông, có hay không có lớp sáp và lớp sáp dày hay mỏng. Tùy theo tuổi của lá, loại cây và điều kiện môi trường sống và cấu trúc hay thành phần này sẽ khác nhau. Những loại cây có lông, lớp sáp dày thường khó hấp thu dinh dưỡng qua lá.
Bên cạnh đó, bề mặt dưới lá của cây hai lá mầm hấp thu dinh dưỡng khoáng mạnh hơn mặt trên của lá nên cần tập trung phun vào bề mặt dưới lá. Ngược lại, các đối tượng cây một lá mầm như cây lúa, cây bắp thì cần phun đều cả hai mặt lá.
2.4 Tình trạng dinh dưỡng của cây
Đáp ứng của cây đối với dưỡng chất phun lên lá cũng tùy thuộc vào điều kiện đủ hay thiếu dưỡng chất trong cây (tình trạng của dưỡng chất đó là những chất đó có tác động tương trợ hay đối kháng với dưỡng chất đó trong cây). Lá cây có thể hấp thu chọn lọc các chất dinh dưỡng tùy thuộc vào nhu cầu của chúng. Cần căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất mà lựa chọn phương pháp cung cấp dinh dưỡng khoáng phù hợp.
Nhận định tình trạng thiếu thừa dinh dưỡng cây dựa vào tình trạng đất, điều kiện thời tiết và biểu hiện của cây, cũng như các biện pháp canh tác đã áp dụng. Hạn chế trường hợp vừa mới bón phân loại dưỡng chất khoáng đó ở rễ mà vẫn phun thêm trên lá, nhất là đối với phân đạm.
2.5 Yếu tố môi trường ngoại cảnh xung quanh cây trồng
Ba yếu tố ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Sự hấp thu dinh dưỡng qua lá tốt nhất khi ánh sáng tương đối, độ ẩm phù hợp, nhiệt độ tối hảo (ở mức 15 – 30oC). Ngoài ra các yếu tố này còn ảnh hưởng đến sự phát triển độ dày của lớp sáp trên lá, ánh sáng càng cao làm cho lớp sáp càng dày, lá khó hấp thu dinh dưỡng hơn.
- Cần căn cứ vào đặc tính của cây và tình hình ngoại cảnh để chọn thời điểm phun cho phù hợp, tránh ánh nắng gay gắt, nhiệt độ, độ ẩm quá cao hay quá thấp. Có thể chọn thời điểm phun vào lúc trời mát. Thường vào khoảng 9-10 giờ sáng hoặc 2-3 giờ chiều vào mùa mưa và 7-8 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều vào mùa khô.
- Gió mưa: Có thể có các tác động cơ học và vật lý làm lá cây tổn thương, giọt dung dịch dinh dưỡng bị rơi, mau khô hay bị pha loãng, rửa trôi. Ảnh hưởng đến khả năng tiếp xúc của dung dịch với lá cây. Nên cần hạn chế phun phân bón lá vào thời điểm mưa gió lớn.
- Ô nhiễm không khí: Khi bụi bám đầy trên những mặt lá sẽ hạn chế sự trao đổi chất của lá với bên ngoài.
3. Những lưu ý khi sử dụng phân bón lá
- Cung cấp dinh dưỡng qua lá không phải là phương pháp chính cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Nó là phương pháp hỗ trợ thêm cho hình thức cung cấp qua rễ.
-
Mỗi loại phân bón lá có thành phần và tỉ lệ các chất khác nhau, thích hợp với mỗi loại cây trồng, mỗi giai đoạn phát triển của cây và mục đích sử dụng khác nhau.
-
Có thể phun nhiều lần trong vòng đời cây trồng, phun vào các giai đoạn thật sự cần thiết. Thời gian và số lần phun cũng phải theo hướng dẫn, không lạm dụng quá mức có thể gây hại cây hoặc giảm chất lượng nông sản.
-
Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang nở rộ hoa, thời tiết quá nóng hoặc mưa, gió lớn.
Nguồn: Fameko sưu tầm